Tây Tạng, nỗi đau kỷ hợi vẫn còn đó như chưa hề xảy ra…

Ngày nay, nhắc đến Tây Tạng ai cũng đều nghĩ rằng đó là một phần lãnh thổ của Trung Hoa, nhưng thật ra điều đó không hẳn đúng nhưng cũng không hẳn sai. Nhưng sự kiện năm Kỷ hợi 1959, đã biến Tây Tạng trở thành một phần lãnh thổ của Trung Hoa, và điều đó vẫn còn đang là điều tranh cãi của thế giới: Tây Tạng là độc lập hay một phần của Trung Hoa? Nào cùng Mybanknotes.net nghiên cứu và xem lại lịch sử Tây Tạng bạn nhé.

Đỉnh trời bị dồn xuống đáy ngục

Các nước lân bang của Trung Hoa thường chỉ được yên thân, hoặc giành lại nền tự chủ, khi đế quốc này bị loạn. Trường hợp của Tây Tạng cũng không khác.

Sau cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, nhà Mãn Thanh sụp đổ và Trung Hoa Dân Quốc thành hình, trên lý thuyết. Trong thực tế, biến cố ấy mở ra một thời kỳ nhiễu nhương cho Trung Quốc vì nội chiến và loạn sứ quân. Đấy là khi Tây Tạng giành lại được chủ quyền cho mình, trong vài chục năm.

Nhưng chủ quyền ấy bị đe dọa từ năm 1949, khi đảng Cộng sản Trung Hoa toàn thắng và Mao Trạch Đông lập ra Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Mười năm sau, vào mùa Xuân Kỷ Hợi 1959, Tây Tạng mất luôn chủ quyền khi “Quân đội Giải phóng” của Trung Quốc tiến vào thủ đô Lhasa và chính quyền Tây Tạng phải lưu vong ra ngoài.

Kể từ đấy, các tỉnh Amdo (phía Bắc) và Kham (phía Đông Nam) của Tây Tạng bị sát nhập thẳng vào bốn tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam và Tứ Xuyên của Trung Quốc. Phần còn lại (U-Tsang ở giữa và Ngari ở phiá Tây, Jhang Thang phía Bắc và Lhoka hay Kongpo) thì trở thành “Khu Tự trị Tây Tạng”, nơi mà dân Tây Tạng đang bị tràn ngập bởi người Hán tộc trong kế hoạch đồng hoá, hay tiêu diệt bản sắc văn hoá Tây Tạng.

Mọi sự khởi đầu vào ngày Thứ Sáu 13 Tháng Hai năm 1959. Vừa ăn Tết Kỷ Hợi xong, người dân thủ đô Lhasa đã nghe thấy những tin xấu dồn dập tại miền Đông lan truyền qua đoàn người tỵ nạn từ hai tỉnh Kham và Chamdo. Các đơn vị Trung Quốc đã chiếm đóng hai tỉnh này từ lâu nhưng nay đang tiến về miền Tây. Mục tiêu không che giấu là sẽ làm chủ Lhasa.


Một trong tờ tiền của Tây Tạng với đơn vị tiền gọi là Srang.

Lịch sử Tây Tạng bắt đầu sang trang kể từ biến cố năm Hợi ấy.

Thật ra, từ khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc ra đời vào Tháng 10 năm 1949 – và nước Tầu lần đầu tiên được thống nhất sau nhiều thập niên nội chiến và hơn trăm năm suy sụp – dân Tây Tạng đã sợ rằng sẽ có ngày mình cũng được “giải phóng” theo kiểu cách mạng vô sản. Và sẽ được “thống nhất” theo khái niệm Trung Hoa truyền thống vào một nước Trung Quốc mới. Chỉ một năm sau khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền, Hồng quân Trung Quốc đã tiến vào tỉnh Chamdo, mùng bảy Tháng 10 năm 1950.

Qua năm 1951, quân đội Trung Quốc áp đặt một Thỏa ước gồm 17 điểm cho Tây Tạng và thực tế tiến hành cách mạng vô sản theo kiểu Mao trên hai tỉnh Kham và Chamdo ở miền Đông. Cũng lại cải cách ruộng đất, đấu tố và học tập để cải tạo tư tưởng và xây dựng nền văn hóa vô sản vô thần… như ở nhiều nơi khác.

Với người dân Tây Tạng trong vùng bị chiếm đóng, đây là những điều khó chấp nhận được. Họ nổi tiếng bất khuất và thiện chiến trong nghệ thuật du kích miền núi. Trong lịch sử Tây Tạng, các bộ tộc cư ngụ nơi đây có quyền tự trị với chính quyền Lhasa nhưng vẫn tôn sùng các vị Đạt Lai Lạt Ma như Phật sống và Quốc trưởng của họ. Tuy nhiên, họ không bao giờ chấp nhận là người Trung Hoa và càng không chịu được cái lối cách mạng vô sản và vô thần kiểu Mao.

Sau những vụ nổi dậy lẻ tẻ và cả chiến tranh du kích mở rộng vào các năm 1952 đến 1954, dân Tây Tạng ở vùng đất này đã khởi nghĩa vào Tết Bính Thân 1956.

Và họ bị tàn sát dã man.

Năm 1956 ấy, thế giới chỉ chú ý đến bài diễn văn của Nikita Krutchev tại Liên Xô hay nói về cuộc khởi nghĩa bị dìm tronbg biển máu của dân Hung Gia Lợi tại Đông Âu, không mấy ai nhắc đến cuộc khởi nghĩa Mùa Xuân 1956 của dân Tây Tạng khiến mấy chục ngàn người đã bị sát hại. So với Hung Gia Lợi thì tổn thất gấp 10, với một dân số chỉ có vài triệu.

Trong tám năm trời, từ 1951 đến 1959, người Tây Tạng tại thủ đô Lhasa có thể còn phân vân về lẽ chiến hay hòa, chống hay thuận trước sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc và sự chống cự ngày càng suy yếu của dân chúng ở miền Đông. Dù Thỏa ước 17 điểm chỉ là một sự áp đặt của Trung Quốc thì nó cũng là một sự cam kết nào đó từ phía Bắc Kinh. Bây giờ, Trung Quốc tiến xa hơn, mặc nhiên xóa bỏ luôn những cam kết trước mà đặt ách thống trị lên lãnh thổ bát ngát của Tây Tạng – rộng bằng toàn cõi Tây Âu.

Sự tồn vong của cả một quốc gia trở thành thách đố năm Hợi.

Vào lần trước, năm 1950, vị lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây Tạng, đức Đại Lai Lạt Ma đời thứ 14 còn là một thiếu niên 16 tuổi. Việc triều chính do Nội các Kashag điều hành dưới quyền một vị Phụ Chính.

Nội các Tây Tạng lập tức đánh điện tín báo động và gửi ba phái đoàn đi cầu cứu các chính quyền Anh, Mỹ và Ấn. Ấn Độ là một nước lân bang đã có quan hệ văn hoá, tôn giáo và lịch sử lâu đời với Tây Tạng, còn Anh và Mỹ thì đã chính thức công nhận Tây Tạng độc lập từ năm 1947, cũng là một năm Hợi. Khi được thư cầu cứu, hai cường quốc Tây phương trả lời: miễn can thiệp. Thậm chí còn từ chối đón tiếp phái đoàn cầu viện của Lhasa. Ấn Độ thì cho biết sẽ không gửi quân viện giúp đỡ và khuyên Lhasa là đừng kháng cự bằng quân sự.

Nhưng năm ấy, dù mới chỉ là một thiếu niên 16, đức Đạt Lai Lạt Ma đã có một quyết định sau này sẽ trở thành một dấu ấn của Ngài: chính thức yêu cầu Liên hiệp quốc nêu vấn đề trước Đại hội đồng. Mùng bảy Tháng 11, 1950, một lá thư được gửi đi và mãi một tháng sau mới có hồi âm: Liên hiệp quốc đang nghiên cứu. Trong khi ấy, Hồng quân của Bắc Kinh vẫn tiến sâu vào nội địa Tây Tạng.

Năm ấy, Nội các Kashag đã suy nghĩ tới giải pháp là đưa vị lãnh đạo của mình ra khỏi Lhasa, triều đình sẽ di tản qua thị trấn Yatung gần biên giới Sikkim và Bhutan, để có thể vượt qua Ấn Độ rất nhanh. Vị lãnh đạo mới 16 tuổi đã có câu trả lời như của Trần Quốc Toản: “là thanh niên còn sức lực, ta sẽ ở lại chia sẻ nỗi hiểm nguy cùng với thần dân”.

Nhưng, triều đình tin rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là một báu vật thiêng liêng của thần dân và không muốn Ngài bị hại. Cuối cùng thì Ngài phải di tản, nhưng với một phản ứng sau này người ta mới hiểu ra. Ngài yêu cầu gói ghém hết báu vật trong triều vào từng thùng, đem theo để chôn giấu tại một địa điểm cực Nam của Yatung, bên kia biên giới Sikkim.

Kho báu ấy sẽ nằm tại chỗ trong chín năm trời.

Phải chăng vì Ngài biết trước những gì sẽ xảy ra sau này, vào một năm Hợi”. Quả nhiên, Liên hiệp quốc trả lời tiếp với phong cách sau này cũng sẽ trở thành truyền thống của tổ chức quốc tế đó (năm 1950, tổ chức này mới lên ba): “tạm hoãn thảo luận về Tây Tạng”. Đế quốc Anh thì có truyền thống khác, uyên bác mà láu cá: “lập trường pháp lý của Tây Tạng có những điểm đáng xét lại”.

Còn nước láng giềng Ấn Độ: “có thể tìm ra giải pháp hòa giải, nếu Liên hiệp quốc đừng đem vấn đề này ra thảo luận trước Đại hội đồng!”. Liên hiệp quốc thì cũng lờ hẳn đề nghị lập ra Ủy hội Điều tra. Kết luận, đức Lạt Lai Lạt Ma hiểu ra là thế giới ngày nay đã thành quá nhỏ để người ta có thể sống yên thân trong một vùng hẻo lánh.

Giải pháp hoà hợp lại thành sát hợp

Nội các đành nghĩ đến giải pháp thương thuyết và phái một vị đại thần đi Bắc Kinh. Vị đại thần tên là Ngabo đã lại tái diễn bi kịch Trần Ích Tắc: thỏa hiệp với ngoại thù. Khỏi cần thông báo đức Đạt Lai Lạt Ma, ông đồng ý với Thỏa ước 17 điểm của Trung Quốc, công bố ngày 23 Tháng Năm, 1951. Tại Yatung, đức Đạt Lai Lạt Ma và Nội các Kashag nghe đọc 17 điểm ấy qua đài phát thanh. Và bàng hoàng với câu kết luận “Từ nay, nhân dân Tây Tạng sẽ trở về với Tổ quốc Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc!”

Thỏa ước đầu hàng một phần ấy tạm ngưng được giao tranh trong một thế da beo, với những đốm lớn tại miền Đông đã bị nhuộm hồng. Và đức Đạt Lai Lạt Ma hồi kinh cùng với triều đình để đón tiếp một phái đoàn quân sự đại biểu cho Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Hộ tống phái đoàn là một đơn vị ba ngàn binh lính Hồng quân, có trang bị đại liên và chiến xa.

Quan hệ đôi bên ngày càng trở thành tồi tệ trong suốt tám năm, cho đến mùa Xuân Kỷ Hợi 1959. Trong suốt giai đoạn ấy, du kích quân Tây Tạng tiếp tục lập ổ kháng cự và dân chúng nổi lên chống đối chế độ mới trong những vùng bị chiếm đóng tại miền Đông.

Ngoài việc đấu tố và đàn áp, duy có một điều được hiện đại hoá trên lãnh thổ Tây Tạng là con đường chuyển vận từ Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, tới Lhasa, thủ đô của Tây Tạng. Con đường ấy sẽ được tận dụng trong đợt tổng tấn công năm Hợi.

Sau tạm ước 1951, người dân Tây Tạng trong các vùng bị chiếm đóng và trực trị đã liên tục nổi dậy dù bị tàn sát rất dã man. Nhiều người còn bị hoạn, phụ nữ bị ép lấy dân Hán để đám “di Tạng” này mất dần bản sắc, những cuộc đấu tố và cải cách nông nghiệp khiến họ bị đói, xã hội tuột dần xuống chỗ lầm than. Nhưng họ không ngờ rằng tương lai còn bi đát hơn thế. Điều đầu tiên họ không ngờ là cuối năm 1953, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt thỏa thuận về quan hệ giữa Ấn Độ và… Tây Tạng.

Đây cũng là đầu mối của việc đức Đạt Lai Lạt Ma về sau đã lập Chính phủ Lưu vong tại Dharamsala trên lãnh thổ Ấn Độ.

Thủ tướng Nehru của đảng Quốc đại đã đồng ý với Thủ tướng Chu Ân Lai rằng Trung Quốc có chủ quyền trên lãnh thổ Tây Tạng. Hiệp ước sống chung hoà bình gồm năm điều khoản (gọi là Panchshila Agreement) mà hai người đồng ý với nhau trên lưng Tây Tạng cũng xác nhận biên giới Hoa-Ấn theo quy định của Đế quốc Anh thời trước. Nehru xây dựng hoà bình Á châu bằng cách hy sinh quyền lợi của một nước láng giềng vừa bị xâm lấn trắng trợn.

Kể từ đấy, Ấn Độ tạm tránh được một đầu mối tranh chấp với Bắc Kinh còn Trung Quốc thì mặc nhiên củng cố ảnh hưởng trên các vùng chiếm đóng. Mao Trạch Đông còn muốn cột việc ấy cho chặt hơn, bằng cách lung lạc vị lãnh đạo Tây Tạng, năm đó mới chỉ là một thanh niên chưa đầy hai chục tuổi.

Lấy lý cớ chào mừng Hiến pháp mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, ông mời đức Đạt Lai Lạt Ma thăm viếng Bắc Kinh. Dường như Nehru cũng tán thành đề nghị ấy. Khi gặp nhau để nói chuyện thì người ta dễ tránh được chuyện đao binh. Đức Đạt Lai Lạt Ma hơi ngạc nhiên về đề nghị do viên tướng đại diện của Bắc Kinh đệ đạt lên Ngài. Suy đi nghĩ lại, Ngài đồng ý.

Đây là cơ hội gặp gỡ người lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc để yêu cầu ông ta tôn trọng những điều khoản do chính Bắc Kinh đã áp đặt cho Lhasa. Thần dân Tây Tạng thì lo sợ, đức Phật sống kiêm Quốc trưởng của họ mà đi vào đất địch thì có khi chẳng có ngày về.

Phải chăng vì thấm nhuần giáo lý “không xuống địa ngục, làm sao cứu vớt chúng sinh”, đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn quyết định lên đường, vào ngày 11 Tháng Bảy năm 1954. Hàng ngàn người Tây Tạng đã lăn xuống đường để xin Ngài đừng bước xuống phà vượt sông Kyichu. Nhiều người rơi xuống nước hoặc lao vào lưỡi lê trước sự kinh hoàng lúng túng của binh lính Trung Quốc.

Dân Tây Tạng bần thần như một bầy cô nhi khi đức Đạt Lai Lạt Ma của họ nhất quyết đi Bắc Kinh để gặp cho được Mao Trạch Đông.

Nơi đây, trong một đại lễ hào nhoáng của Thiên triều đỏ, Ngài gặp cả những vị quốc khách của Bắc Kinh như Krutchev hay Nehru và được dịp thấy những thành tựu của xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc.

Trong phái đoàn lần này có cả đức Ban Thiền Lạt Ma, mà Mao Trạch Đông hy vọng là sẽ thuyết phục được trong kế hoạch “chia để trị” – bẻ đũa từng chiếc, với chức phận sẽ ban cho là thành viên trong Ủy Ban Chuẩn bị thành lập Khu Tự trị Tây Tạng. Mao Trạch Đông còn khéo giải thích với đức Đạt Lai Lạt Ma rằng Ủy ban này sẽ có nhiệm vụ phát huy ảnh hưởng của Ngài về cả tôn giáo lẫn quyền uy chính trị, vì Ngài sẽ là Chủ tịch. Phó Chủ tịch là viên tướng Tư lệnh Lực lượng Viễn chinh của Trung Quốc tại Lhasa!

Như một truyện Tây du ngược đời, đức Đạt Lai Lạt Ma đã mất gần một năm với chuyến Đông du ấy, mãi đến tháng Năm năm 1955 mới rời Bắc Kinh trở về Tây Tạng.

Nhưng đây không phải là một chuyến “Đông độ”. Khi đi về hướng Đông, vị Phật sống này không thuyết phục được Mao Trạch Đông về giá trị của tôn giáo, tâm linh dù cảm thấy rằng con người ấy có điều gì rất sùng tín… mà không thật.

Những cuộc gặp gỡ tay đôi giữa một tên Ma vương sáu chục tuổi và một đức Phật sống chưa đầy hai chục có thể là một giai thoại lý thú của loài người. Nhưng, với đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài có những cảm nghĩ thiếu thoải mái.

Cảm nghĩ ấy dần dần trở thành một sự thất vọng.

Sau khi lên tới chỗ cao nhất nghe một người nhiều uy quyền nhất hứa hẹn bao chuyện tốt đẹp cho dân Tây Tạng, trên đường trở về, khi vượt qua những vùng bị chiếm đóng, nhất là tại đất Golok, Ngài chứng kiến tận mắt việc Trung Quốc thực thi những hứa hẹn ấy.

Bậc chân tu này không hề muốn bạo động và sẵn sàng đối thoại với mọi người, nhưng lại thông cảm với lý do vì sao nhiều người Tây Tạng – kể cả các nhà sư , đã phải đấu tranh võ trang và phạm sát giới. Đây là một thảm kịch lớn cho vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của dân tộc Tây Tạng.

Chuyến hồi hương kéo dài hai tháng của Ngài vì vậy cũng là một bước tiến vào địa ngục do các đơn vị Hồng quân Trung Quốc gây ra trên suốt dải đất miền Đông của Tây Tạng.

Và Ngài bàng hoàng nghe thấy các du kích quân Golok hoặc các tộc trưởng Khampa nói đến nhu cầu “độc lập”, điều không hề có trong kế hoạch xây dựng vùng Tự trị Tây Tạng do Mao Trạch Đông ôn tồn trình bày. Mà càng không có trong lối suy nghĩ của Nội các Kashag tại Lhasa.

Các khu vực bị Trung Quốc chiếm đóng tất nhiên là chống Tầu, nhưng khi lãnh đạo của họ nói đến “độc lập” với vị lãnh đạo Tây Tạng, điều ấy cũng có thể hàm ý độc lập với cả Lhasa!

Ngay tại Lhasa, từ năm 1952, nhiều người tự động thành lập một cơ chế gọi là Mimang Tsongdu (Đại biểu Nhân dân) với mục đích phản đối sự chiếm đóng của Bộ đội Trung Quốc và chánh sách cai trị của họ và đề xướng các hoạt động bài Hoa chống Tầu. Nhóm Mymang này còn gửi thỉnh nguyện thư lên Nội các Kashag để phàn nàn sự hiện diện của các đơn vị Hồng quân ngay giữa Thủ đô! Có lực lượng đế quốc nào muốn tấn công Lhasa đâu, tại sao Trung Quốc lại cho đồn trú hai vạn quân tại đây”

Trở về tới Lhasa ngày 29 Tháng Sáu năm 1955, đức Đạt Lai Lạt Ma đứng trước một thực tế nan giải. Trung Quốc mạnh tay thi hành kế hoạch biến Tây Tạng thành khu tự trị – thực tế thô bạo hơn những gì Mao Trạch Đông đã biện giải tại Bắc Kinh. Trong khi ấy, dân Tây Tạng lại dứt khoát chống Tầu và nhiều nơi còn đòi độc lập, mà Nội các Kashag và cả bản thân Ngài thì muốn thương thuyết. Khi ấy, hy vọng rất mong manh của Ngài là Mao Trạch Đông sẽ cho thực hiện những gì ông đã hứa hẹn tại Bắc Kinh. Hy vọng ấy kết thúc với cuộc tổng tấn công mùa Xuân Kỷ Hợi, khi Ngài ở tuổi 24.

Ma vương đã hiện nguyên hình.

* Tổng Tấn Công Mùa Xuân

Các Chiến Binh Người Khampa Bảo Vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma Và Một Số Người Thân Tín Kín Đáo Rời Khỏi Cung Mùa Hè, Bắt Đầu Cuộc Lưu Vong…

Vào mùa Xuân Kỷ Hợi 1959 thì Trung Quốc đã lấn chiếm một phần lãnh thổ miền Đông của Tây Tạng và còn bố trí một đơn vị ngay tại thủ đô Lhasa, dưới quyền chỉ huy của nhiều viên tướng. Tại Lhasa, mọi sinh hoạt của triều đình Tây Tạng được họ theo dõi rất sát, bên trong Nội các Kashag cũng có nhiều phần tử được họ gài vào làm tai mắt hoặc sẵn sàng thỏa hiệp với Hồng quân.

Khi các tỉnh miền Đông bị tràn ngập, một số tộc trưởng địa phương và lãnh tụ kháng chiến Tây Tạng đã rút dần về miền Tây. Nhiều người muốn xin được yết kiến đức Đạt Lai Lạt Ma để trực tiếp trình bày về những sự thể xảy ra trong thời gian qua, từ khi Ngài gặp họ trên đường về từ Bắc Kinh năm 1959 cho đến gần đây. Họ báo động là Hồng quân Trung Quốc đang được tăng phái và sẽ tấn công Lhasa.

Lý cớ là các đế quốc và bọn phiến quân phản động đang gây loạn nên Trung Quốc cần bảo vệ Tây Tạng!

Vì vậy, trong khi dân chúng thủ đô ăn Tết thì tin tức loan truyền từ miền Đông về là quân xâm lược Trung Quốc đang tiến về miền Tây. Tại thủ đô, các lãnh tụ kháng chiến bị binh lính Trung Quốc truy lùng và dân chúng bị phong tỏa về kinh tế để buộc phải tố giác hoặc không chứa chấp người lạ. Trong triều, Nội các Kashag bị các tướng lãnh đại biểu của Bắc Kinh gây sức ép rất mạnh để giao nộp các phần tử “phản động”.

Điều mà các tướng Tầu không ngờ được là tối 24 Tháng Hai, trong khi bộ chỉ huy Trung Quốc đang coi chiếu bóng – thông lệ hàng tuần – viên tướng Tư lệnh đơn vị Pháo binh Trung Quốc là Trương Hoa Đình đã lặng lẽ đi tới đại bản doanh của quân đội Tây Tạng. Ông yêu cầu đòi gặp vị tổng trấn của Lhasa để xin đầu hàng và hợp tác với Tây Tạng: “Dưới chế độ cộng sản, tôi không được tự do. Chế độ ấy coi người như súc vật. Và tôi nghĩ là người Trung Quốc chúng tôi chẳng có lý do gì để đóng quân ở Tây Tạng!”

Thật hay giả đây” Mà nếu là thật thì triều đình Tây Tạng tính sao” Bàn tính rất lâu và suy nghĩ rất sâu, họ tin là viên tướng kia có thành ý. Nhưng quyết định là không thông báo lên đức Đạt Lai Lạt Ma để Ngài khỏi ở vào vị trì khó xử khi phiá Trung Quốc phát giác và lên tiếng phản đối. Viên tướng can trường này được khoác áo Tây Tạng với tên mới là Lobsang Tashi và đưa ngay ra khỏi thủ đô để giúp các kháng chiến quân Tây Tạng.

Vụ đào thoát ấy lập tức được phía Trung Quốc tố giác là một vụ bắt cóc. Và họ ra tối thư: nội một tuần phải trả lại Tướng Trương Hoa Đình. Một tuần nữa là ngày mùng bốn Tháng Ba, 1959.

Trong tuần ấy, tình hình Lhasa quả thật kỳ bí và bi hùng như trong tác phẩm điện ảnh của một đạo diễn giàu trí tưởng tượng. Dân chúng thủ đô thiếu ăn nhưng sôi sục ý chí nổi dậy. Các nhóm kháng chiến quân chuẩn bị việc kháng cự trong một vùng đất mà tai mắt của quân thù xâm nhập khắp nơi, vào tới tận triều đình. Chiến hay hòa, xứ trí ra sao, những quyết định ấy được bàn thảo trong tiếng thầm thì, giữa một số người rất nhỏ quanh đức Đạt Lai Lạt Ma. Vào thời điểm này, Ngài lại đang chuẩn bị một việc quan trọng là khoá thử nghiệm về đạo pháp để hoàn tất học vị Tiến sĩ.

Hãy nghĩ đến một công án Thiền khi súng đã lên đạn. Và bố trí khắp nơi.

Giữa không khí căng thẳng ấy, một ngày trước kỳ hạn của tối hậu thư, mùng ba tháng Ba, bộ chỉ huy Trung Quốc gửi hai sĩ quan tới gặp vị lãnh đạo tinh thần và quốc gia Tây Tạng. Viên tướng Tư lệnh Lực lượng Trung Quốc tại Lhasa mời Ngài quá bộ qua bản doanh Trung Quốc để tham gia một buổi hát tuồng… vào thời điểm sớm nhất! Thế rồi, vài tiếng sau, đài phát thanh bất ngờ loan tin rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận lời mời qua thăm viếng Bắc Kinh. Một chuyện chưa hề được bất cứ ai nêu ra bao giờ.

Mời qua Bắc Kinh để giữ làm con tin”

Dân Tây Tạng suy nghĩ vậy và kết luận là Trung Quốc muốn bắt giữ vị lãnh đạo tôn quý của họ. Rồi họ mới nghe có tin đồn, rằng các tướng Trung Quốc còn mời đức Phật Sống của họ qua xem tuồng trong trại lính. Tin rất mật vẫn bị tiết lộ ra ngoài, làm dư luận càng xôn xao. Đường phố gập ghềnh của thủ đô bỗng như bị động đất ngầm, sự chuyển động của dư luận vừa phẫn hận vừa âu. Họ quên hẳn cái Tết vừa ăn tháng trước mà nghĩ đến việc bảo vệ đấng tôn quý của họ.

Ngài lại vừa hoàn tất khóa Tiến sĩ và dự lễ tấn phong tại cung mùa Hè là điện vàng Norbulingka trong mùa lễ hội Phật giáo long trọng nhất ngay sau Tết, lễ Monlam. (Điện Potala trên đỉnh Lhasa là nơi đức Đạt Lai Lạt Ma ngự vào mùa Đông, mùa Hè thì Ngài qua điện Norbulingka cách Potala ba cây số về hướng Tây, được xây dựng từ 1750, đời Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy).

Nội các Kashag họp khẩn, một số cận thần thân tín thì bàn riêng cùng đức Đạt Lai Lạt Ma về cách ứng phó. Với Thủ tướng Surkhang, Bộ trưởng Ngoại giao Luishar và vị Tổng quản chí thiết và trung thành của Ngài tên là Phala, Ngài cho biết quyết định: khó giữ kín được tin này, nhưng Ngài vẫn qua trại quân của Trung Quốc, một mình, không cần cận vệ hay tùy tòng. Để khỏi gây náo động, lệnh hạn chế lưu thông trong một số khu vực sẽ được ban hành. Lệnh đó gây phản ứng ngược.

Lời rỉ tai của dân chúng lan truyền như vệt thuốc súng. Chiều mùng chín Tháng Ba, cả ngàn người tự động bảo nhau vây quanh cung mùa Hè để bảo vệ đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhiều người khác thì tràn vào Lãnh sự quán Ấn Độ, Bhutan, Nepal yêu cầu Lãnh sự đánh điện kêu cứu. Đấy là lúc hai sĩ quan Trung Quốc cố vượt qua hàng rào căm phẫn của dân chúng và đòi vào gặp cho được đức Đạt Lai Lạt Ma đưa thiệp mời: ngược với mọi thông lệ và quy ước ngoại giao, chỉ mời sáu người trong Nội các, mỗi người kèm theo một tùy tòng, để cùng đức Đạt Lai Lạt Ma qua xem tuồng.

Càng ngày càng khả nghi, Nội các Kashag kết luận. Trong lúc đó, không ai biết là binh lính Trung Quốc còn xộc tới ngôi nhà nhỏ của mẫu thân đức Đạt Lai Lạt Ma, năm đó vừa sáu chục tuổi, đang bị tê thấp, để đòi bà qua trại quân xem tuồng, trong khi họ đã giữ được người con út của bà. Nghĩa là các tướng lãnh Trung Quốc muốn thu gọn mục tiêu là bắt nhốt đức Đạt Lai Lạt Ma, bà mẹ, người em, và một số cận thần của Ngài. Theo lời ví von rất duy vật của viên tướng chỉ huy Lực lượng Trung Quốc: khi có quá nhiều ruồi muỗi bu quanh miếng thịt thì cách trừ ruồi hay nhất là cất miếng thịt. Ruồi muỗi đây có thể là các kháng chiến quân, hay “bọn phản động” miền Đông. Miếng thịt ở đây, như chính đức Đạt Lai Lạt Ma về sau ngậm ngùi kể lại, có thể là Nội các Kashag. Hay bản thân Ngài.

Đây là lúc tiến thoái đều lưỡng nan và mọi người quyết định là ngài sẽ không qua dự hội Xuân bên trại lính của đối phương. Trong khi ấy, làn sóng người đã tràn ngập bên ngoài, nhất địn tử thủ để bảo vệ đức Phật Sống của họ. Những khẩu hiệu được hô cao, loan truyền và thùng thuốc súng của quần chúng ngoài đường phố chỉ chờ một tia lửa.

Đành rằng đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không qua trại lính xem tuồng Xuân, nhưng, ở lại thì xử trí ra sao” Mà để tránh bị bắt giữ, Ngài sẽ đi như thế nào ra khỏi Lhasa” Và làm sao can gián mấy chục ngàn người đang biểu tình ngoài kia, dưới họng đại liên của quân thù” Trong khi ấy, ở bên ngoài Tây Tạng, thế giới văn minh vẫn nín thinh, không có phản ứng…

Bộ trưởng Ngoại giao của Nội các bước ra nói chuyện với đám đông đang tụ tập quanh điện Norbulingka và đề nghị họ lập ra một đoàn đại biểu để nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma. Một “Ủy ban Tự do” thành hình với 60 người thuộc đủ mọi thành phần. Ủy ban này được mời vào trong dinh thảo luận với đề nghị là giải tán đám đông để tránh cuộc đổ máu. Nhưng, chuyện chưa ngã ngũ thì viên tướng Tư lệnh Lực lượng Chiếm đóng Tây Tạng Tan Kuan San, Đơn Quán Sơn, gửi thêm tối hậu thư: yêu cầu Nội các Kashag ra lệnh tháo gỡ các rào cản được dân chúng dựng quanh cung mùa Hè.

“Nếu không thì sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng”. Hàng rào ấy chẳng thể cản được các đơn vị Trung Quốc. Nhưng nếu tháo gỡ thì rõ là một tín hiệu đầu hàng! Trong khi ấy, phía Trung Quốc gặng hỏi xem đức Phật Sống đang ngự ở phía nào, phòng nào, trong cung điện. Họ sẵn sàng nã đạn nhưng muốn bắt sống đức Đạt Lai Lạt Ma.

Những biến cố dồn dập này cho thấy một cuộc đấu trí dai dẳng và nhức tim giữa đôi bên, Ở giữa là đức Đạt Lai Lạt Ma với quyết định nan giải: làm sao tránh được biển máu cho người dân đồng thời bảo toàn được sự vẹn toàn và giá trị biểu hiệu của Tây Tạng” Đấy là lúc vị lãnh đạo Tây Tạng đành phải chiều theo một quyết định làm Ngài không vui. Đó là triệt thoái khỏi Lhasa mà không để thần dân được biết. Nếu biết, cả ngàn người sẽ đi theo bảo vệ và lãnh họa…

Ngày 17 tháng Ba, đức Đạt Lai Lạt Ma đã cùng một số người thân tín kín đáo ra khỏi Cung Mùa Hè và rời Lhasa. Ngài bắt đầu một cuộc lưu vong sẽ kéo dài nửa thế kỷ và chưa dứt… Chuyến vượt thoát của Ngài là sự kỳ diệu của Trời Phật vì bị các đơn vị Trung Quốc rượt theo rất sát, vượt đèo qua ải, xuống phà sang sông… cho tới khi Ngài đặt chân lên lãnh thổ Ấn Độ, đêm 31 tháng Ba năm 1959. Vô cùng ân hạn vì đã đề nghị Tây Tạng hòa giải với Bắc Kinh mà rốt cuộc vẫn bị xâm chiếm, Chính phủ Nehru ra lệnh mở cổng đón tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma.

Dọc đường, nhiều đơn vị kháng chiến Tây Tạng đã hy sinh để cản đường truy đuổi của đối phương. Họ là nông dân, tộc trưởng, họ là nghĩa quân đã từng nổi dậy chống lại quân xâm lược của Trung Quốc từ miền Đông. Một số người trong đó cũng từng đã được CIA huấn luyện trong đạo dân quân của bóng đêm…

* Biển Máu Tại Lhasa

Sau khi đã xục sạo truy tìm khắp nơi, kể cả trong các lãnh sự quán Ấn Độ, Nepal và Bhutan, mãi đến hai ngày sau, chiều 19, quân Trung Quốc bán tín bán nghi mới biết chắc là đức Đạt Lai Lạt Ma không còn ở Lhasa nữa. Họ bèn ra lệnh phong tỏa mọi cửa quan và cho lính truy kích đoàn người tỵ nạn mà họ đoán là đang đi về hướng Tây Nam để vượt qua Ấn Độ.

Ủy ban Tự do của dân Tây Tạng thì nhận được thông điệp cuối cùng của đức Đạt Lai Lạt Ma viết lại trước khi ra đi, ngài cảm tạ dân chúng đã bảo vệ và căn dặn Ủy ban: “chỉ chống cự khi chẳng còn giải pháp nào khác”.

Ngày hôm sau, chiến xa và đại pháo Trung Quốc tiến thẳng vào Lhasa sau khi đóng chốt tại mọi trục giao thông chính yếu. Cuộc tàn sát bắt đầu khi pháo binh Trung Quốc nã đạn vào Cung mùa Hè và trấn giữ một số khu vực bên trong Lhasa. Việc nã đạn vào điện Norbulingka và vùng phụ cận là để diệt đám người biểu tình bảo vệ Phật Sống, mà bên trong họ nghi là có nhiều dân quân thiện chiến từ các vùng Khampa, Amdo và Golok kéo về. Việc tiến vào Lhasa là để làm chủ luôn thủ đô Tây Tạng và kiểm soát các đình chùa và công thự của triều đình Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma.

Năm ấy, một nhân vật rất trẻ đã trở thành vị Tư lệnh bảo vệ ngôi chùa thiêng của Lhasa. Ông là một nhà sư, về sau xin cởi áo tăng vì sẽ phạm sát giới. Ông từng là nhân vật trẻ nhất trong chính quyền Tây Tạng, ở tuổi 18. Năm Đinh Hợi, ông mới 28, là nhân viên trẻ nhất trong Hội đồng Lhasa gồm có bốn người, và tự nguyện điều động việc trấn giữ ngôi chùa thiêng liêng nhất, nằm trên đỉnh cao nhất của Lhasa.

Mục tiêu là cầm chân quân thù để đức Đạt Lai Lạt Ma kịp thời thoát hiểm. Bên phiá Tây Tạng, Tướng Kusangtse có bốn ngàn quân được trải mỏng để chặn đường truy kích của các đơn vị Trung Quốc. Ở phía Bắc Lhasa, ông còn bốn ngàn quân trừ bị. Bên trong Lhasa thì chỉ có thường dân nam và nữ với một số dân quân cảm tử. Họ tải đạn, múc nước, dựng bao cát làm chiến hào. Họ lẻn vào khu phố Hồi giáo, nấp sẵn trong các ngôi nhà của người Hồi, với dao dài và súng ngắn. Hỏa lực của nhóm ngươi cảm tử này thật ra không đáng kể so với đại bác và đại liên của Trung Quốc, chỉ có một khẩu súng cối và vài khẩu. Nhưng hào khí ngất trời với dao quắm và mã tấu.

Họ sẽ khiến các đơn vị Trung Quốc phải trả một cái giá rất đắt cho việc xâm chiếm thủ đô và đền đài thiêng liêng của người Tây Tạng. Họ càng quyết chí chiến đấu vì tin rằng sẽ chia mỏng lực lượng Trung Quốc cho đức Đạt Lai Lạt Ma có thêm hy vọng vượt thoát. Chỉ nội chi tiết ấy cũng đáng chú ý: dân Tây Tạng theo Phật giáo sống chung hiền hoà với người Hồi giáo và khi hữu sự, người Hồi giáo đã cho họ mượn nhà làm hậu cứ phục kích Hồng quân! Những con đường dẫn vào khu phố Hồi về sau đã trở thành lạch máu, ngập xác người.

Đêm 20 tháng Ba, các đơn vị Trung Quốc bắt đầu rót pháo chung quanh Cung mùa Hè Nobulingka và nhiều nơi khác ngay trong thủ đô Lhasa và giật mình vì sự chống trả bất ngờ của dân Tây Tạng. Họ tuá ra truy lùng trong đường phố Lhasa thì lọt vào ổ phục kích. Chiến thuật biển người trong thành phố bị chặn đứng bởi chiến thuật du kích Tây Tạng! Thủ đô tuyết trắng nay bỗng đỏ màu máu sau ba ngày tàn sát hãi hùng.

Khi binh lính Trung Quốc tiến vào điện thờ cao nhất của Lhasa, bên trong, Thundop và vài nhân vật còn lại vẫn cố đốt cho hết những văn kiện tối mật của Nội các, dưới trận mưa đạn của súng cối Trung Quốc. Họ là những người sau cùng rút khỏi ngôi đền thiêng và lăn mình xuống tuyết giá ở bên dưới trước khi “Giải phóng quân” Trung Quốc lên tới nơi. Họ lẩn trốn khá lâu trong vùng trước khi tìm ra đường vượt biên tới Ấn Độ để gặp lại vị Phật Sống nay tạm cư ở Dharamsala…

Nhân vật Thundop này hiện còn sống, là người về sau góp phần soạn thảo ra bản Hiến pháp mới của Tây Tạng và là người được phép viết lại tiểu sử chính thức của đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông từng được mời qua giảng dạy về lịch sử và văn hoá Tây Tạng tại Đại học Santa Barbara của California và đi đâu cũng nhắc nhở loài người là đừng quên thảm kịch Tây Tạng. Tên thật của con người trí thức, đức độ mà kiên trì ấy là Ngawang Thundop Narkyid. Những người Mỹ tìm hiểu về Tây Tạng thì biết ông dưới tên là Giáo sư Kuno.

Sau này, nguồn tin từ New Dehli của Ấn Độ nói đến số tổn thất là 15 ngàn người Tây Tạng đã đổi mạng lấy 50 ngàn binh lính Trung Quốc.

Con số ấy khó kiểm chứng được. Nhưng ngày 28, đài phát thanh Bắc Kinh lờ hẳn tin tức giao tranh tại Lhasa mà chỉ loan tin là có bốn ngàn tên phản động Tây Tạng đã bị bắt tại Lhasa! Nếu bốn ngàn người bị bắt sau ba ngày tàn sát thì con số tử vong bên phía Tây Tạng phải lên đến hàng vạn. Nặng nhất là vào ngày Chủ Nhật 22 tháng Ba năm 1959. Và các đơn vị Trung Quốc tất nhiên đã trả giá rất đắt cho việc chiếm đóng vào mùa Xuân năm Đinh Hợi đó….

Thủ đô Lhasa bị tàn phá, người dân bị cải tạo và nằm trong gông cùm nghẹt thở cho tới 1976, khi Mao Trạch Đông tạ thế và 10 năm Đại Văn Cách chấm dứt mới bắt đầu hồi sinh.

Từ biến cố năm Hợi 1959, 80 ngàn người Tây Tạng đã vượt biên ra ngoài và được một khoảnh đất dung thân tại một đỉnh hẻo lánh miền Bắc Ấn Độ là Dharamsala. Thủ tướng Nehru hồi tâm và ân hận về đường lối hòa dịu của mình trên lưng Tây Tạng nên đã tranh đấu cho Chính quyền Lưu vong Tây Tạng có một trụ sở làm việc.

Hồn nước Tây Tạng bắt đầu tỏa sáng từ nhân cách của đức Đạt Lai Lạt Ma và từ đỉnh Dharamsala. Ở bên trong, dân Tây Tạng bị Hán hóa với màu sắc xã hội chủ nghĩa, tức là hai tầng thoái hoá, vừa mất bản sắc văn hóa tâm linh của mình, vừa phải xây dựng xã hội chủ nghĩa vô thần. Ngày nay, dân số Tây Tạng chỉ còn sáu triệu người, nhưng lãnh thổ của họ có hơn bảy triệu rưởi người Hoa.

Tây Tạng đang được “hiện đại hoá”, trở thành một trung tâm du lịch cho khách thập phương Tây phương, được dẫn vào đất Phật dưới sự chỉ dẫn có chỉ đạo của đảng, để chỉ được thấy những gì Bắc Kinh muốn họ thấy!

Họ có thể ngợi ca đường hỏa xa cao tốc do Trung Quốc xây dựng qua núi vào tới tận Lhasa vào mùa Hè năm 2006, nhưng lại không biết là năm 1987, dân Tây Tạng đã nổi dậy và bị đàn áp nặng nề. Năm ấy, người ta chỉ nói đến 10 năm cải cách của Đặng Tiểu Bình! Bí thư Tỉnh ủy có công trạng ghê gớm ấy nay đang là Chủ tịch nước, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào.

Điều ít ai ngờ là người dân Tây Tạng vẫn vượt qua được thử thách ấy để bảo vệ đạo pháp và văn hoá của mình. Và vẫn ngưỡng vọng về đức Đạt Lai Lạt Ma của họ, một nhân vật sinh vào năm Hợi….

Họ có một “hậu phương” rất lớn là cộng đồng Tây Tạng hải ngoại. Không đông nhưng rất đoàn kết và tích cực đấu tranh sau lưng đức Đạt Lai Lạt Ma để giành lại quyền tự trị và duy trì di sản Tây Tạng cho loài người.

Và cũng từ biến cố năm Hợi 1959 này mà thế giới biết nhiều hơn đến Phật giáo. Tinh thần vô úy của đạo Phật có thể được thấy rõ nhất trong ý chí đấu tranh không sợ sệt của người dân Tây Tạng. Họ đấu tranh với lòng từ bi, qua con đường hoà giải bất bạo động, một ngoại lệ hiếm hoi trong thế giới ngày nay.

Theo: Dưỡng Chân

 

 

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ops, Sorry! - You cannot copy the content of this page

Share via
Copy link
Powered by Social Snap